Return to site

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Đâu là nguyên nhân?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Khuẩn E. Coli được xem là nguyên nhân chính gây ra UTI, tuy nhiên bệnh vẫn có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là nhiễm trùng niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận. Khuẩn E. Coli được xem là nguyên nhân chính gây ra UTI, tuy nhiên bệnh vẫn có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) khá phổ biến, và số trường hợp nữ giới gặp phải tình trạng này nhiều hơn nam giới. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra UTI? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu (UTI) là gì?

Các nguyên nhân phổ biến nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) (khoảng 80%) là do các chủng vi khuẩn E. coli thường sống ở ruột già gây nên. Tuy nhiên, nhiều loại vi khuẩn khác đôi khi cũng gây nhiễm trùng (như Klebsiella, Pseudomonas, Enterobacter, Proteus, Staphylococcus, Mycoplasma, Chlamydia, Serratia và Neisseria spp.). Nhưng thông thường, các nguyên nhân trên đều ít gặp hơn E. coli.

Ngoài ra, nấm (Candida và Cryptococcus spp) và một số ký sinh trùng (Trichomonas và Schistosoma) cũng có thể gây nên UTI. Schistosoma gây ra các vấn đề khác, với nhiễm khuẩn bàng quang chỉ là một phần của quá trình lây nhiễm phức tạp của nó. Tại Hoa Kỳ, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng là do vi khuẩn Gram âm với E. coli gây ra.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu (UTI)

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên UTI. Nói chung, bất kỳ gián đoạn hoặc trở kháng nào của dòng nước tiểu thông thường (khoảng 50 cc mỗi giờ ở người lớn bình thường) là một yếu tố nguy cơ mắc phải UTI.

Ví dụ sỏi thận, co thắt niệu đạo, tuyến tiền liệt hoặc những bất thường về mặt giải phẫu trong đường tiểu làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Điều này là do tác động rửa trôi của dòng nước tiểu. Để đạt hiệu quả, các mầm bệnh phải “chống lại dòng chảy” vì phần lớn các mầm bệnh xâm nhập qua niệu đạo và phải đi ngược lên (chống lại rào cản lưu lượng nước tiểu trong đường niệu) bàng quang, niệu quản và thận.

Nhiều nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ dễ bị tổn thương do UTI hơn nam giới vì niệu đạo của họ rất ngắn và lối ra (hoặc lối vào các mầm bệnh) gần với hậu môn và âm đạo.

Những bệnh nhân sử dụng ống thông đường tiểu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao, vì ống thông không có hệ thống miễn dịch bảo vệ để loại bỏ vi khuẩn và kết nối trực tiếp với bàng quang. Các ống thông được thiết kế để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn đường truyền có sẵn (kết hợp các chất kháng khuẩn vào ống thông để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn), nhưng không được các nhà lâm sàng sử dụng vì hiệu quả ngắn hạn, tốn chi phí và họ lo ngại về sự phát triển thêm của vi khuẩn.

Nhiều báo cáo cho thấy phụ nữ dùng màng ngăn hoặc có bạn tình sử dụng bao cao su với bọt diệt trùng có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao. Ngoài ra, những phụ nữ có quan hệ tình dục có nguy cơ mắc UTI cao hơn. Thuật ngữ “viêm bàng quang tuần trăng mật” được áp dụng cho nhiễm trùng đường tiết niệu do quan hệ tình dục lần đầu gây nên hoặc UTI sau một khoảng thời gian ngắn hoạt động tình dục thường xuyên.

Đàn ông trên 60 tuổi có nguy cơ mắc UTI cao vì nhiều nam giới ở độ tuổi trên hoặc cao hơn sẽ phát triển các tuyến tiền liệt mở rộng, gây ra tình trạng bàng quang chậm và rỗng. Ngoài ra, đàn ông và phụ nữ lớn tuổi cũng gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) vì không sử dụng bao cao su như các thế hệ trẻ.

Thỉnh thoảng, những người bị bệnh nhiễm trùng máu (vi khuẩn trong máu) có vi khuẩn lây nhiễm nằm trong thận, được gọi là sự lan truyền máu. Tương tự như vậy, những người có các khu vực bị nhiễm trùng có liên quan đến đường niệu (ví dụ như tuyến tiền liệt, tinh hoàn hoặc rò) có nhiều khả năng bị UTI.

Ngoài ra, bệnh nhân trải qua phẫu thuật niệu đạo cũng có nguy cơ mắc UTI cao. Theo một số bác sĩ lâm sàng, mang thai không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Một số bác sĩ khác cho rằng có nguy cơ gia tăng giữa tuần từ 6 đến 26 của thai kỳ. Tuy nhiên, đa số đồng ý rằng nếu UTI xảy ra trong thời kỳ mang thai, nguy cơ mắc UTI sẽ tiến triển nghiêm trọng làm thận suy yếu, ảnh hưởng đến trọng lượng của bé. Bệnh nhân bị bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc những bệnh nhân ức chế miễn dịch (HIV hoặc bệnh nhân ung thư) cũng có nguy cơ mắc UTI cao hơn.

Khi nghi ngờ có những triệu chứng bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn đừng ngần ngại đến khám bác sĩ để được chữa trị càng sớm càng tốt nhé.