Chào bác sĩ, tôi năm nay 31 tuổi mang thai lần thứ 2 với tiền sử bị bệnh tiểu đường, có khả năng bị tiền sản giật thai kỳ. Cho tôi hỏi những biến chứng mà mẹ và em bé có thể mắc phải của tiền sản giật khi mang thai là gì ạ? Tôi cảm ơn bác sĩ.
Chào Thảo Anh, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi thắc mắc về cho chúng tôi. Với vấn đề những biến chứng của tiền sản giật khi mang thai tôi xin giải đáp như sau:
Tiền sản giật là một dạng biến chứng thai kỳ và các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thai thứ 34 (tức là vào 3 tháng cuối của thai kỳ). Có 3 triệu chứng liên quan đến tiền sản giật khi mang thai đó là: Phù, Tăng huyết áp, Protein niệu. Những biến chứng mẹ bầu thường sẽ gặp phải đó là:
– Thai nhi bị tăng trưởng chậm: Tiền sản giật ảnh hưởng đến động mạch mang máu đến nhau thai, khi nhau thai không được nhận đủ lượng máu cần thiết thì thai nhi sẽ không được cung cấp đủ máu, chất dinh dưỡng và oxy. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc em bé bị chậm tăng trưởng, nhẹ cân và suy dinh dưỡng lúc chào đời.
– Sinh non: Khi mẹ bị tiền sản giật ở mức độ nghiêm trọng, có nhiều khả năng bác sĩ sẽ chỉ định sinh sớm để tránh những nguy hiểm cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên, việc sinh non sẽ dễ khiến em bé gặp phải các vấn đề sức khỏe như là suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm hệ hô hấp và các cơ quan khác cũng bị tổn thương. Do đó, thai phụ khi có những dấu hiệu của triệu chứng tiền sản giật trong giai đoạn mang bầu cần được thăm khám thường xuyên để bác sĩ xác định tình trạng bệnh cũng như thời điểm nào là tốt nhất cho chuyến vượt cạn quan trọng.
– Rau bong non: Tiền sản giật có khả năng làm tăng nguy cơ bị vỡ nhau thai – đây là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành bên trong của tử cung trước khi sinh. Nếu như nhau thai bị vỡ có thể gây chảy máu nặng, đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và em bé.
– Hội chứng HELLP: Đây là một hiện tượng tan máu (có khả năng phá hủy các tế bào hồng cầu), số lượng tiểu cầu thấp và men gan cao. Đây là biến chứng của tiền sản giật nặng, chỉ xuất hiện ở 4 – 12% mẹ bầu, vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và bé. Các triệu chứng của hội chứng HELLP này bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu, bị đau bụng ở vùng trên bên phải.
– Sản giật: Khi không được kiểm soát thì biến chứng sản giật có khả năng cao sẽ xảy ra. Sản giật được xem là một trong những tai biến sản khoa gây ra hiện tượng tử vong hàng đầu cho mẹ và bé. Vì thế, ngay khi mẹ xuất hiện các dấu hiệu sản giật như động kinh, đau bụng, bất tỉnh thì bác sĩ cần can thiệp ngay bất kể đang ở tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ.
– Tổn thương đến các cơ quan khác: Bệnh tiền sản giật khi mang bầu có thể gây tổn thương sang các bộ phận khác như thận, gan, phổi, tim, mắt. Bên cạnh đó, nó còn rất dễ gây đột quỵ hoặc chấn thương não. Mức độ gây tổn thương tới các cơ quan phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
– Bệnh tim mạch: Căn bệnh này dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu cho sản phụ trong tương lai. Để giảm thiểu rủi ro này thì sau khi sinh, mẹ hãy nên cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, ăn nhiều trái cây và rau quả, thường xuyên tập thể dục và không hút thuốc lá.
Tiền sản giật có thể coi là một biến chứng nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ nếu như mẹ biết cách chăm sóc bản thân đúng cách trước và trong khi mang thai, cũng như phối hợp cùng với phác đồ điều trị của bác sĩ thì có thể hạn chế được tối đa khả năng rủi ro có thể xảy ra. Hy vọng rằng, những kiến thức mà chúng tôi vừa cung cấp đã giúp bạn nắm được rõ hơn những biến chứng có khả năng mắc phải là gì. Nếu có thêm bất kỳ câu hỏi nào hãy gửi về trực tiếp cho chúng tôi để nhận được lời giải đáp sớm nhất nhé!